Sau nhiều tháng ngày rơi vào hoàn cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, người lao động tại Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã chọn cách hồi hương khi các tỉnh phía Nam bắt đầu mở cửa trở lại. Và điều này đã tạo áp lực lớn lên công tác phòng chống dịch của các tỉnh nơi người lao động trở về trong khi đó các đô thị công nghiệp thiếu hụt nguồn lao động.
Theo “Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, các tỉnh ĐBSCL cung cấp 1,1 triệu lao động cho Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Việc người lao động di cư tìm kiếm việc làm tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đã giúp các tỉnh ĐBSCL cải thiện an sinh xã hội.
Theo ông Nguyễn Tiếc Hùng – Chủ tịch MTTQ tỉnh An Giang, năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 7%, sau 6 năm chỉ còn 1,9%, cho thấy sự đóng góp rất lớn vào nền kinh tế tỉnh nhà của người lao động xa xứ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đại bộ phận người lao động đều bị mất việc làm, giảm thu nhập và sau 4 tháng cùng địa phương chống dịch, người lao động đã không còn kiên nhẫn đành rời bỏ nơi cho họ công việc tốt, thu nhập cao. Điều này dễ hiểu bởi có trở lại với công việc cũng chưa thể tạo ra thu nhập ngay trong khi những khoản tiết kiệm đã sử dụng hết từ lâu. Người lao động chọn cách hồi hương nương tựa quê nhà và điều này đã tạo áp lực lớn lên các tỉnh ĐBSCL khi vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội…
Những ngày qua, các cửa ngõ ra vào tỉnh Sóc Trăng nườm nượp đoàn xe của con em người lao động xa xứ trở về quê hương. Để chăm lo tốt cho mọi người, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, sẵn sàng mọi phương án như bố trí nơi cách ly, ăn ở, đồ ăn thức uống, giường chiếu, quạt máy cho 10.000 người. Tuy nhiên tính đến ngày 20/10/2021, tỉnh đã đón nhận 17.000 người trở về và con số này vẫn chưa dừng lại.
Ông Dương Sà Kha (ảnh) – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng cho hay “Số lượng các ca mắc Covid-19 của tỉnh đang tăng cao, nguy cơ lây nhiễm chéo trong dòng người hồi hương. Tỉnh đang đối mặt với áp lực lớn trong việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống dịch; về năng lực cách ly, điều trị, chăm lo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống cho người dân.
Tại tỉnh An Giang, ông Nguyễn Tiếc Hùng (bìa trái) – Chủ tịch MTTQ tỉnh cho biết thêm những ngày vừa qua tỉnh đón nhận 60.000 người từ các đô thị công nghiệp và 20.000 người từ Campuchia trở về quê hương. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn xe đón những phụ nữ mang thai, trẻ em và người già trở về quê hương. Bao nhiêu nhân lực, vật lực đều đã đưa ra phục vụ người dân trở về nhưng chỉ trong chừng mực nhất định. Cái lo nhất hiện nay là làm sao đảm bảo cho mọi người được cách ly an toàn và bài toán rất khó nữa là vấn đề an sinh sau cách ly ra sao. Nếu người dân không có việc làm ổn định thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng trở lại.
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các tỉnh ĐBSCL trong những ngày đón công dân trở về. Ngày 21/10/2021, song hành cùng đoàn người hồi hương trở về các tỉnh Sóc Trăng và An Giang, Quỹ Từ thiện Kim Oanh mang theo hàng ngàn trang thiết bị y tế thiết yếu, hàng trăm túi thuốc an sinh đặc trị Covid-19 để trao cho ngành y tế 2 tỉnh nói trên để kịp thời chăm lo sức khỏe người lao động.
Tiếp nhận hàng ngàn phần tài trợ như túi thuốc đặc trị chữa Covid-19, mặt nạ oxy, đồng hồ oxy, máy đo nồng độ oxy, đồ bảo hộ y tế… trị giá gần 300 triệu đồng do Quỹ Từ thiện Kim Oanh trao tặng, thay mặt người dân tỉnh Sóc trăng, ông Dương Sà Kha – Chủ tịch MTTQ tỉnh rất cảm kích tấm lòng nghĩa hiệp của các thành viên Quỹ. Ông đánh giá sự hỗ trợ của Kim Oanh lúc này hết sức có ý nghĩa, cần thiết cho công tác phòng, chống dịch góp phần cùng tỉnh sớm đẩy lùi COVID-19.
Thật tâm chia sẻ với lãnh đạo các địa phương về những trăn trở khi thấy dòng người lao động vội vã hồi hương, bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch Quỹ Từ thiện Kim Oanh mong muốn thông qua những phần hỗ trợ trao tặng chính quyền địa phương ngày hôm nay sẽ chăm lo tốt cho sức khỏe người lao động và hy vọng người lao động sẽ sớm quay trở lại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để cùng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thu nhập. Bên cạnh đó người lao động sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ tốt từ doanh nghiệp; chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tiêm vaccin Covid-19 bảo vệ sức khỏe, được hỗ trợ an sinh trong những ngày chưa tạo ra thu nhập…
Khi các tỉnh phía Nam mở cửa khôi phục kinh tế, thấy người lao động trở về quê, bà Kim Oanh đã lên kế hoạch thuê máy bay, tàu xe đưa mọi người trở về nhưng suy đi tính lại nếu làm như thế vừa có thể tạo gánh nặng cho địa phương trong công tác phòng chống dịch, người lao động không quen với công việc đồng áng, ruộng vườn không nhiều, ở quê không có nhiều cơ hội, việc làm tốt trong khi các đô thị công nghiệp lại đang rất cần người lao động vào lúc này. Nghĩ thế bà đã cùng Quỹ Từ thiện Kim Oanh đã tổ chức trao tặng 11.000 túi an sinh hỗ trợ, động viên công nhân, người lao động tự do yên tâm ở lại gắn bó với công việc trước đây. Và tới đây, ngày 25-26/11/2021, Quỹ Từ thiện Kim Oanh sẽ tiếp tục trao tặng 10.000 túi an sinh đến công nhân, người lao động tự do đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, chế xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.