Chủ tịch Quỹ Từ thiện Kim Oanh cho rằng, doanh nhân làm từ thiện nên chấp nhận bỏ ngoài tai những định kiến, gièm pha của dư luận.
Lô thuốc “quý hơn vàng”
Chiều thứ 6 ngày 27/8/2021, 35.000 lọ Remdesivir nhập khẩu từ Ấn Độ về tới TP.HCM. Thời điểm này, thuốc Remdesivir đặc trị Covid-19 được ví “quý hơn vàng”, thị trường chợ đen “cháy hàng” dù mức giá rao bán lên tới 10 triệu/lọ.
Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tháng 10/2020. Theo Bộ Y tế, với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, khoảng 50 quốc gia đưa Remdesivir vào phác đồ điều trị. Có thể nói, đây là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Cùng ngày, hình ảnh về lô thuốc liên tục được gửi đi từ văn phòng Quỹ Từ thiện Kim Oanh tới các tỉnh và đơn vị y tế. Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương thậm chí còn không tin 35.000 lọ Remdesivir đang có mặt ở Việt Nam. Bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch quỹ từ thiện) bấm máy gọi hàng loạt bệnh viện điều trị Covid-19 để có số lượng bệnh nhân từ đó tính phân bổ nguồn thuốc hỗ trợ, trung bình 1 bệnh nhân cần 5 lọ.
Sáng ngày 28/8, từ kho hàng của đơn vị nhập khẩu, lô Remdesivir lập tức được chuyển đi. Trong đó, tâm dịch TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tiếp nhận số lượng lớn nhất với lần lượt 8.300 lọ – 10.000 lọ – 6.000 lọ.
Ngay khi nhận hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – ông Cao Tiến Dũng khẳng định, đây là loại thuốc có tiền cũng khó mua. Lô thuốc “quý hơn vàng” dùng cứu chữa kịp thời các bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân ở thể nặng, cần thuốc đặc trị.
Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời điểm đó là Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương cho rằng, trong giai đoạn dịch bùng phát, với lượng thuốc nhận được là 10.000 lọ, có thể triển khai điều trị cho ít nhất 2.000 bệnh nhân, tương đương số bệnh nhân tầng 2 tại tỉnh.
“Giai đoạn cuối tháng 8, dịch căng thẳng, nhiều bệnh nhân nằm viện và cần thuốc điều trị. Remdesivir là thuốc chủ lực trong điều trị các bệnh nhân F0. Hỗ trợ của đơn vị từ thiện bổ sung nguồn thuốc quý cho bệnh viện”, Bác sỹ Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM nhớ lại.
Cầm chén cơm nên biết sẻ chia được bao nhiêu
Đi kèm với 35.000 lọ Remdesivir nhập khẩu là gần 1 triệu đơn vị thuốc điều trị Covid-19 khác đã được chuyển tới 11 địa phương và các cơ sở y tế. Toàn bộ số thuốc hỗ trợ trên nằm trong chương trình KOC (Knock Out Covid) do Quỹ Từ thiện Kim Oanh thực hiện.
Trong thời gian từ tháng 5 – 10/2021, quỹ này đã cho ra đời 7 chương trình đồng hành cùng chính quyền, lực lượng tuyến đầu và người dân trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 như: Tiếp nối nhịp thở; KOC; 7.000 túi thuốc hỗ trợ điều trị F0; 22.000 túi an sinh cho người dân; hơn 400 tấn gạo; 14.000 tô bún bò cho lực lượng tuyến đầu…
“Tôi mất khoảng 1 tháng cách ly hoàn toàn với gia đình khi trực tiếp đi làm. Gia đình sợ vì thấy lịch di chuyển quá nhiều trong khi lượng F0 ngoài cộng đồng cao. Chồng và các con khuyên ở nhà, đừng đi nữa”, bà Oanh nói về thời gian thực hiện các hoạt động của quỹ từ thiện.
Mặc dù vậy, vốn là một doanh nhân, người phụ nữ này thừa nhận, giới doanh nhân khi tham gia công tác xã hội cũng sẽ phải đối mặt, chấp nhận lời khen, tiếng chê từ phía dư luận. Có người sẽ nói doanh nhân đi từ thiện là “làm màu” và lợi dụng để đánh bóng tên tuổi.
Theo bà Kim Oanh, cần “bỏ ngoài tai” những điều tiếng đó. Các chương trình của quỹ từ thiện trong giai đoạn giãn cách xã hội ưu tiên tính kịp thời, sát thực tế và hiệu quả. Bởi, chỉ chậm 3 – 5 phút thì có người đã chết vì không được thở, do thiếu thuốc. Đây không phải hoạt động từ thiện mà đơn giản là trách nhiệm với chính quyền và cộng đồng. Dịch bệnh có giảm thì doanh nghiệp mới phục hồi được hoạt động kinh doanh và vực dậy kinh tế.
“Nếu muốn PR, chúng tôi chỉ cần làm 1 chương trình là đủ thay vì 7 chương trình. Nếu muốn PR, chúng tôi sẽ chỉ làm ở TP.HCM, Bình Dương hay Đồng Nai – nơi doanh nghiệp hoạt động kinh tế chứ không đi hàng loạt tỉnh miền Tây. Chúng tôi không dở hơi mà nhập thuốc về rồi đi giao tận tay các đơn vị để làm màu”.
Đối với nữ doanh nhân, việc lập ra một quỹ từ thiện sẽ giúp các hoạt động có ngân sách, tài chính rõ ràng, tách bạch với lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện tại của doanh nghiệp. Kinh doanh hiệu quả thì trách nhiệm xã hội là tất yếu. Chỉ tính riêng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, bà Oanh đã khởi xướng và thực hiện nhiều chương trình xã hội tập trung vào nhu cầu của địa phương, bệnh nhân, lực lượng tuyến đầu, người dân trong từng giai đoạn như hỗ trợ máy thở, mặt nạ oxy, đồng hồ oxy, thuốc đặc trị, nhu yếu phẩm…Tổng kinh phí để thực hiện các hoạt động là hơn 75 tỷ đồng.
“Từ thiện là từ thiện và kinh tế là kinh tế, đừng nhầm lẫn hai khái niệm. Chúng tôi làm chuyện “bao đồng” 15 năm rồi chứ không phải dịch bệnh mới làm. Tôi học hành không đến nơi đến chốn nhưng tôi hiểu đạo lý cầm chén cơm biết chia sẻ được bao nhiêu. Dư luận nói gì là quyền của họ. Mặc kệ thôi”, Chủ tịch Quỹ Từ thiện Kim Oanh cười nói.