Một buổi tọa đàm đặc biệt để đi tìm lời giải cho vấn đề bức bách với chủ đề ‘Nhà ở cho người thu nhập thấp: Bao giờ?’ diễn ra ngay tại khu nhà trọ công nhân tại quận 12 (TP.HCM) sáng nay 12-7.
Buổi tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tham gia của các khách mời, gồm: ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM; ông Mai Thanh Tùng – phó phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng TP.HCM); ông Phạm Chí Tâm, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM; ông Phạm Hữu Vĩnh, trưởng phòng thẩm định Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM; ông Trần Nhật Quang, giám đốc đầu tư Công ty CP địa ốc Kim Oanh, ông Nguyễn Thanh Tâm (chủ nhà trọ)…
Đặc biệt, tọa đàm còn có sự tham gia của các công nhân, đại diện cho hàng vạn người lao động thu nhập thấp đang đau đáu giấc mơ an cư với một mái nhà ở TP.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia, đại diện các ban ngành cùng thảo luận, phân tích những vướng mắc, đề xuất các biện pháp tháo gỡ và đưa ra những kiến nghị về chính sách giúp người lao động chạm tay đến giấc mơ nhà ở.
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm đặc biệt tổ chức ngay khu nhà trọ công nhân, nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết ban tổ chức chọn địa điểm gần gũi để cùng bàn câu chuyện thời sự: nhà ở cho người thu nhập thấp.
Theo ông Toàn, đây là chủ đề đau đáu của người dân cũng như lãnh đạo Chính phủ, các địa phương và nhiều ban ngành đặt ra nhiều năm nay. Ông Toàn nhận định có những địa phương làm tốt, song cũng có những địa phương loay hoay bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp.
Do đó, buổi tọa đàm này tiếp nối tuyến bài mà báo Tuổi Trẻ đã dày công thực hiện và đăng tải những số báo qua, làm rõ hơn câu chuyện vướng mắc về chính sách, khung hành lang pháp lý, nguồn vốn, quỹ đất… để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm các nước, đề xuất các giải pháp, cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này với mục tiêu xây dựng TP đáng sống, TP nghĩa tình.
Cần thúc đẩy chính sách để người lao động có chỗ ở an toàn
Ông Phạm Chí Tâm, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, đánh giá cao ý tưởng của báo Tuổi Trẻ tổ chức tuyến bài và tọa đàm ngay khu nhà trọ của công nhân. Theo ông Tâm, Liên đoàn Lao động TP.HCM rất quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, nơi ăn chốn ở của người lao động TP cũng như con của người lao động để đóng góp cho sự phát triển của TP.
Tuy nhiên, TP.HCM là đô thị đặc biệt, thu hút đông người lao động đến làm việc khi TP có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp… thu hút hơn 270.000 người lao động, chưa kể các doanh nghiệp bên ngoài và lao động tự do.
Theo ông Tâm, cái khó hiện nay của người lao động TP là nhà ở và thu nhập, hiện chỉ 15% có được nhà ở trong các khu công nghiệp, còn lại phải thuê trọ bên ngoài. Ông Tâm cho biết thông qua khảo sát thực hiện vào tháng 12-2020, có 83% người lao động đến làm việc ở TP.HCM thuê trọ với diện tích phổ biến là 12m²/phòng, phổ biến là 2 người/phòng.
Về thu nhập, ông Tâm cho hay người lao động chi thuê nhà chiếm 10 – 15% thu nhập, tương ứng 1,5 – 1,6 triệu đồng/tháng, riêng công nhân may mặc thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/tháng.
“Nhu cầu mua nhà ở của người dân là có nhưng thu nhập như thế thì không thể mua được”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, giá nhà từ 1 – 1,6 tỉ đồng thì công nhân không thể mua nhà được dù có thể cho vay đến 900 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nhiều người dân có nhu cầu thuê nhà ở nhiều hơn. Do đó, ông Tâm cho rằng cần thúc đẩy làm sao cho người lao động có chỗ ở an toàn, có không gian để phát triển tốt.
Ông Tâm đề xuất TP đẩy nhanh các chương trình nhà ở cho công nhân, nghiên cứu nhà cho công nhân thuê lâu dài với giá phù hợp với diện tích phù hợp.
Thu nhập 15 – 16 triệu đồng/tháng nhưng rất khó để mua nhà
Tại chương trình, nam công nhân Đặng Tú cho biết từ Nghệ An vào TP làm việc, thu nhập hai vợ chồng chỉ 15 – 16 triệu đồng mỗi tháng, nhưng phải chi rất nhiều khoản từ tiền thuê nhà, xăng xe, con cái đi học… nên chỉ “vừa đủ, không dư giả nhiều”, rất khó để mua nhà ở TP.HCM.
Ông Phạm Hữu Vĩnh, trưởng phòng thẩm định Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM, cho biết bây giờ những căn hộ đã hình thành không có giá 1,5 tỉ đồng, trong khi 3 – 4 năm trước có nhà với giá này. Do đó, với thu nhập như hiện nay, rất khó để người lao động sở hữu nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đặt vấn đề bao giờ chất lượng phòng trọ, nhà trọ nâng lên để người lao động có không gian sống tương đối.
Theo ông Châu, thời gian qua TP.HCM khó phát triển các khu lưu trú công nhân có nhiều nguyên nhân, do các quy định, bất tiện trong sinh hoạt, giờ giấc… đối với cuộc sống của công nhân. Còn đối với nhà ở, ông Châu chia sẻ thực trạng các doanh nghiệp khi làm nhà ở xã hội cũng thủ tục nhiêu khê hơn nhà ở thương mại, các cơ quan không dám duyệt các chỉ tiêu đã nêu trong nghị định.
Ngoài ra, khi được tăng lên hệ số sử dụng đất thì lẽ ra tăng lên số căn hộ, nhưng phải đi kèm nhiều điều kiện hay hay dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng thủ tục cũng nhiêu khê… Do đó, các thủ tục này ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Ông Châu cũng kiến nghị cần giải quyết cấp bất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, quỹ đất, vốn và ưu đãi… để người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở có giá phù hợp.
Rà soát quỹ đất phát triển nhà ở cho người lao động
Là doanh nghiệp trực tiếp đầu tư nhà ở xã hội, ông Trần Nhật Quang, giám đốc đầu tư Công ty CP Địa ốc Kim Oanh, cho hay qua đợt dịch, người lao động bỏ về quê nhiều, doanh nghiệp mất lao động, người lao động mất thu nhập.
“Phải chăng do công nhân không có chỗ ở đoàng hoàng, nên khi có biến động thì người lao động rất dễ bị tổn thương?”, ông Quang đặt vấn đề và cho hay điều đó thôi doanh nghiệp này quyết tâm thực hiện kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội của doanh nghiệp mình.
Theo ông Quang, cho dù lãi suất không nhiều, chi phí còn bị cắt bớt nhưng doanh nghiệp vẫn vui vẻ xây dựng nhà ở xã hội, sau đó lấy lãi suất từ nhà ở thương mại bù lại. Doanh nghiệp có chương trình xây dựng 15.000 căn hộ nhà ở xã hội và đang tìm đối tác để thực hiện.
Ông Quang nêu cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kể cả người mua nhà ở xã hội. Ví dụ muốn mua nhà xã hội phải có thu nhập dưới mức chịu thuế, nhưng người mua lại không đạt tiêu chí vay vốn của ngân hàng khi thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, trước đây có gói 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, do đó hiện nay cũng cần triển khai các gói vay phù hợp để đưa hỗ trợ vốn, giúp cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Cao Huy Thọ rằng hiện nay có thể xây được nhà cho người thu nhập thấp? Ông Quang thẳng thắn đáp lời: “Nếu tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ của Chính phủ, doanh nghiệp vẫn làm được nhà ở cho người thu nhập thấp”.
Trong khi đó, ông Mai Thanh Tùng – phó phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng TP.HCM) – cho biết sắp tới để phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân… sở đang tích cực phối hợp với các sở ngành, địa phương để rà soát quỹ đất, xem xét điều chỉnh quy hoạch để tạo thêm quỹ đất để phát triển nhà cho người lao động.
Liên quan thủ tục phát triển nhà lưu trú cho công nhân, ông Tùng cũng cho hay sở cũng sẽ phối hợp các cơ quan để rà soát quỹ đất, phát triển nhà cho công nhân thuê.
Là người trực tiếp đầu tư khu nhà trọ cho 410 người, trong đó có đến 2/3 là công nhân, ông Nguyễn Thanh Tâm (chủ nhà trọ) cho biết cần tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa về vốn, quỹ đất và chính sách để phát triển thêm nhà trọ cho công nhân.